skip to Main Content

Những công việc giúp trở thành du mục số

Du mục số – Digital Nomad – là một phong cách sống đáng mơ ước và đang dần trở nên phổ biến trong thế hệ trẻ ở nhiều nước tuy chưa được biết đến rộng rãi ở Việt Nam. Để giúp các bạn hiểu thêm về lối sống này và tìm được những công việc có thể vừa kiếm tiền, vừa đi du lịch và sống ở nhiều nơi trên thế giới, mình sẽ lần lượt chia sẻ các nội dung chi tiết trong loạt bài GIẤC MƠ DU MỤC SỐ.

Bắt đầu với những công việc mà bản thân mình đang làm hàng ngày.

VIẾT NỘI DUNG (Content Writing): nội dung đa dạng từ Thông cáo báo chí, bài giới thiệu sản phẩm, bài phỏng vấn đến kịch bản cho MC, kịch bản các video clips…Khi cạnh tranh trên Truyền thông càng khốc liệt, nhu cầu sử dụng người viết Nội dung càng nhiều.

DỊCH THUẬT (Translation): Dịch tin bài từ công ty mẹ của các tập đoàn sang tiếng Việt, dịch hợp đồng, dịch các loại proposal, dịch thông cáo báo chí Anh-Việt, dịch website, brochure sản phẩm, dịch phụ đề video clips…Dù google translate càng ngày càng tinh vi, nhu cầu chuyển thể ngôn ngữ bằng trí tuệ, kỹ năng của con người vẫn không vì thế mà giảm bớt.

DẠY TIẾNG ANH (Online English teaching): mình dạy tiếng Anh 1:1, một cô-một trò qua cuộc gọi trên mạng. Thường những học viên là người đang đi làm có nhu cầu cải thiện phát âm, muốn tự tin hơn khi giao tiếp hoặc cần có người chỉnh các bài báo cáo, email tiếng Anh trước khi gửi ra nước ngoài.

Đây là những công việc vốn không phải là chuyên môn ban đầu mình có nhưng đã thường xuyên làm trong gần 3 năm qua. Vừa làm vừa học và cải thiện nên dần cảm thấy rất hứng thú.

Có một giai đoạn ngắn khi mới bắt đầu cuộc sống này, mình cũng thiếu việc và cảm thấy rất lo. Sau một hai tuần loay hoay, cuối cùng cũng tìm ra được ý tưởng sử dụng lại chính nghề Nhân Sự mà mình đã làm hơn 10 năm.

Nhân sự, cái nghề vốn rất gắn liền với một tổ chức, một địa điểm nào đó, bây giờ lại có thể vừa làm vừa sống những đất nước, thành phố khác:

HEADHUNTER: Mình có hai, ba người bạn sau nhiều năm đi làm các công ty rồi ra mở dịch vụ tuyển dụng, “săn đầu người”. Khi biết mình cũng đang làm tự do, các bạn này cũng đề nghị mình hợp tác. Ở co-working space mình ngồi bên cạnh một cô người Mỹ, làm Headhunter cho vài công ty công nghệ ở San Francisco, chuyên tuyển dụng các vị trí IT, lập trình viên. Cô làm headhunter độc lập, phỏng vấn ứng viên online, gửi bảng đánh giá và trao đổi với khách hàng qua email. Công việc cho phép cô đi và sống nhiều nơi khác nhau.

VIẾT HỒ SƠ XIN VIỆC (Resume writing): Một cô người Úc trạc tuổi mình đang làm công việc này. Không phải ai cũng biết chuẩn bị một CV đẹp, hay viết một thư xin việc (cover letter) hay và biết cách làm mình nổi bật giữ hàng trăm ứng viên khác. Vì vậy sẽ luôn có nhu cầu để được tư vấn giúp tự tin và giành được cơ hội việc làm.

PHỎNG VẤN THỬ (Mock-up Interview): đây là dịch vụ mà trong giai đoạn đầu của hành trình du mục số mình đã nghĩ ra. Nhu cầu cho dịch vụ này rất nhiều vì thật ra có mấy ai được dạy kỹ năng phỏng vấn một cách cụ thể, chi tiết và tư vấn cho riêng trường hợp của mỗi người đâu phải không.

THAM VẤN NGHỀ NGHIỆP (Career Counseling): Với sự hỗ trợ của các công cụ test tính cách, đánh giá năng lực…hiện nay đã có thể làm online, tham vấn nghề nghiệp trở thành một công việc có thể thực hiện từ xa.

Kể từ khi theo đuổi lối sống này, mình khám phá ra những năng lực mà trước giờ không biết là mình có, học được thêm những kỹ năng mới. Trên hết, mình nhận ra rằng, khi có một khoảng thời gian tĩnh lặng, cùng với áp lực tồn tại, “cái khó ló cái khôn”, mình sẽ sáng tạo ra đủ cách để kiếm thêm thu nhập, sử dụng chính các kỹ năng đã được rèn luyện suốt những năm đi làm các công ty.

Ngoài ra, trong quá trình tiếp xúc với các bạn digital nomad khác, mình được biết họ làm các công việc sau:

LẬP TRÌNH VIÊN/THIẾT KẾ WEB/THIẾT KẾ APP, GAME (Programmer, Developer, Coder, Web/App Designer):
Mình gom những công việc này vào một nhóm. Đây có lẽ là nhóm việc phổ biến nhất trong cộng đồng Digital Nomad. Đặc tính công việc cho phép bạn làm việc ở bất cứ đâu có internet. Dù vậy, bạn phải có khả năng tự học rất tốt vì cùng với những yêu cầu của khách hàng/người dùng ngày một phức tạp thì công nghệ, ngôn ngữ luôn cần cập nhật mỗi ngày.

Ở Việt Nam, cộng đồng IT freelancer ngày một đông. Chi phí nhân công cạnh tranh nên một vài công ty nước ngoài rất muốn tuyển dụng các developer người Việt.

Bản thân mình nhiều lúc rất muốn học về coding vì thấy nhu cầu cho các loại ngôn ngữ lập trình rất nhiều và việc giao tiếp với máy tính khá thú vị. Yeah, why not?

VIẾT PROPOSAL (Creative): Ai đã ở trong thế giới agency sẽ hiểu làm một cái proposal hại não bao nhiêu. Khách kêu đi pitching chiều thứ 6 và bắt gửi proposal thứ 2 là chuyện bình thường. Cho nên các agency sự kiện, marketing hay truyền thông đều cần người đưa ra ý tưởng (concept) và đặt xuống thành một proposal cụ thể. Ý tưởng hay, trả lời đúng đề bài của client, trình bày đẹp và đúng deadline. Ta nói, “nhân tài như lá mùa thu”. Mấy bạn viết proposal này đơn giản được gọi là dân creative. Một cái proposal nhỏ nhỏ nhận được 1,5 triệu là chuyện thường ngày ở huyện. Các dự án lớn, tiền concept còn có khi charge tới 20-25 triệu. Vậy mà có bao nhiêu người làm được đâu. Theo kinh nghiệm của mình ở mảng này, cung lúc nào cũng nhỏ hơn cầu.

QUẢN LÝ MẠNG XÃ HỘI (Social Media Manager)
Công ty nào bây giờ cũng có fanpage và thường phải outsource vì công chăm sóc một trang như vậy khá mệt. Vì vậy những bạn nào thích làm việc với các nền tảng mạng xã hội và có khả năng tối ưu ngân sách cho khách hàng thì luôn có việc để làm.
Các bạn làm freelance trong mảng này, nếu siêng cày thì khả năng kiếm một tháng khoảng 25 triệu không phải là hiếm.
Thêm nữa là công việc này không đòi hỏi phải tốt nghiệp đại học hay gì hết, có những bạn chỉ mới 19-20 mà đã có thể làm admin cho vài fanpage cùng lúc, chạy ad hiệu quả quá chừng nên nhiều agency cứ giao việc làm hoài thôi.

THIẾT KẾ ĐỒ HOẠ (Graphic Designer) Bản thân chức danh này đã quá rõ ràng nên chắc không cần phải nói thêm. Người biết thiết kế thì nhiều lắm nhưng người có gu thẩm mỹ, đáp ứng được deadline thì đúng là “như sao buổi sáng”. Công việc của mình lúc nào cũng cần thiết kế nhưng nói thật là loay hoay mãi vẫn chưa tìm được người vừa ý.
Chỉ cần một cái laptop cấu hình cực tốt thì bạn có thể làm ở bất cứ chỗ nào!

TRỢ LÝ ẢO (Virtual Assistant hay VA): Nghe có vẻ còn xa lạ nhưng thực ra VA còn có các tên khác như “cu-ly đa năng”, “DEO- Doing Everything Officer”, làm cái gì cũng được. Đặc biệt các start-up thường không có đủ người để làm những việc linh tinh như: đặt vé máy bay/khách sạn, nhập liệu, nghiên cứu thông tin, thu thập dữ liệu… Dĩ nhiên tuỳ năng lực từng người mà có thể nhận những kiểu công việc khác nhau.

TIẾP THỊ LIÊN KẾT (Affiliate Marketing-AM): hiểu đơn thuần bạn “dẫn” người dùng đến trang web/sản phẩm của người bán và bạn được hưởng hoa hồng trên số đơn hàng (sales). Công việc của bạn là đầu tư vào marketing, tạo website, chạy ad để promote đường link liên kết đó…Mục đích là qua các kênh của bạn, khách hàng click vào để đi đến trang web của người bán. Sau một thời gian xây dựng, bạn có thể kiếm được nguồn thu nhập thụ động (passive income). Cộng đồng AM ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh, nhiều bạn coi AM là một công việc ngoài giờ, cũng có bạn làm toàn thời gian.

DROPSHIPPING– Bạn là người bán lẻ online, không cần sở hữu hàng hoá và kho bãi. Bạn có thể tự định giá sản phẩm, làm marketing để tiếp cận khách hàng. Khi nhận được đơn hàng, nhà cung cấp sẽ giao hàng trực tiếp cho khách và bạn hưởng chênh lệch giữa giá bạn mua và giá bán.

Có lần mình được gặp một chiếc Cruise đi từ Mỹ đến các nước vùng Carribean chở trên đó hơn 300 digital nomad làm drop shippers. Trên cruise có wifi và họ lênh đênh trên biển hơn 2 tuần, chỉ ghé một nơi 1, 2 đêm rồi lại lên đường.

BLOGGER/VLOGGER: Đây có thể là công việc toàn thời gian hoặc chỉ là làm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập thụ động từ quảng cáo. Tuy nhiên, cạnh tranh trong mảng này càng ngày càng nhiều cho nên đầu tư một trang blog hoặc channel cũng đòi hỏi đầu tư về mặt nội dung, trang thiết bị và cả marketing nữa. Trang điểm, nấu ăn, làm tóc, du lịch…nếu đó còn là đam mê của bạn thì cũng đừng ngần ngại làm thử.

TƯ VẤN (Consultant) Bạn nào đã biết đến SAP, một công cụ quản lý doanh nghiệp rất phức tạp. Để có được một SAP key user không phải là dễ bởi người đó phải được đào tạo và có kinh nghiệm trong nhiều functions trên hệ thống ERP. Cho nên nếu một SAP key user nghỉ việc, doanh nghiệp tổn thất rất nhiều. Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu hai bên, doanh nghiệp đó thuê lại chính nhân viên đó làm tư vấn, đào tạo nhân viên và trả tiền theo giờ hoặc theo dự án. Anh chàng SAP kia có thể làm ở bất cứ đâu, qua internet phone hoặc email.
SAP chỉ là một trong những ví dụ về việc bạn có được một chuyên môn đặc thù và công ty rất cần bạn. Chỉ cần bạn giỏi, việc luôn có cho bạn làm.

CHỈNH SỬA VIDEO, CHÈN SUBTITLE (Video, animation editor…) và những việc tương tự: nhu cầu cho mảng này càng ngày càng nhiều cùng sự phát triển của công nghệ giải trí, truyền thông, vlog/blog…Ai cũng thích có những sản phẩm nghe nhìn đẹp, nhưng đâu phải ai cũng biết làm phải không nè. Và những công việc này, đâu có cần đến văn phòng, làm ở đâu cũng được.

NHIẾP ẢNH cho Shutterstock, cho các tạp chí: Nghề này khá cạnh tranh nhưng nếu đó là đam mê của bạn thì có thể xem đó là một việc làm thêm.

Và những công việc lạ chưa từng thấy

GAME TESTER
Đợt ở Mexico, ngày nào lên co-working space cũng thấy một “thằng nhỏ” đã ngồi sẵn đúng một chỗ ngồi. Nó đeo tai nghe và cả ngày chẳng nói chuyện với ai. Đi ngang nghía vào màn hình thì lúc nào cũng thấy nó chơi game. Mình nghĩ sao không ở nhà chơi mà lên đây chi cho tốn tiền. Nhưng sau này hỏi ra mới biết đó là công việc của nó. Nó thích chơi và chơi game online rất giỏi. Cho nên khi các công ty ra game mới đều đặt hàng cho nó test giúp và cho ý kiến. Thiệt là cái nghề xa xỉ gì đâu!
Dĩ nhiên, các game thủ chuyên nghiệp còn có thể kiếm tiền bằng cách chơi game, tham gia các giải đấu. Tuy nhiên, các game thủ thường lại là những bạn chỉ thích ngồi trong nhà một mình, sống trong thế giới ảo mà không thích giao lưu bên ngoài cho nên Digital nomad thường không phải là lối sống mà họ thích.

DIET AND LIFESTYLE COACH
Một người bạn của mình công việc chính là làm developer nhưng lại là người ăn chay thuần và thích tập gym nặng đô . Bản thân anh nhiều năm đã phải tự nghiên cứu các cách để cân bằng chế độ vegan với nhu cầu năng lượng của một người work-out chuyên nghiệp. Cho nên, anh lập một website hướng dẫn người mê thể thao các cách để theo chế độ ăn thuần chay. Anh tham gia các buổi hội thảo chuyên ngành, tổ chức nhiều buổi nói chuyện miễn phí. Cho đến nay, anh nhận được nhu cầu về coach nhiều đến mức không đủ thời gian làm mà phải mời thêm hai ba chuyên gia khác để làm bớt việc.
Phong trào work-out và ăn uống lành mạnh ở Việt Nam ngày càng nhiều và đang dần trở thành một Phong cách sống trong giới trẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kiến thức hoặc siêng tìm hiểu về dinh dưỡng. Vì vậy, việc coach online 1:1 như cách anh bạn IT này cũng là một hướng đi rất hay. Quan trọng nhất, đó là đam mê của anh nên vừa có tiền vừa vui!

Có một công việc nữa bản thân mình nhận được đề nghị vài lần, chi phí khá cao nhưng hơi vô đạo đức và ở một số quốc gia sẽ là phạm pháp:

VIẾT BÀI LUẬN/ VIẾT LUẬN VĂN (Essay, thesis writing) bằng tiếng Anh cho các du học sinh. Một số du học sinh (có thể là người Việt và cả người nước ngoài) bị áp lực deadline, hoặc thiếu năng lực, hoặc đơn giản là làm biếng nên nhờ các công ty dịch vụ viết giúp. Mình nhận được đề nghị từ một công ty dịch vụ, viết về Nhân Sự, Marketing, và Business nói chung. Hơi bị shock khi biết có dịch vụ như vậy. Dĩ nhiên câu trả lời của mình là chữ KHÔNG to tướng. Kể lại đây để cung cấp thông tin cho các bạn, cũng là để thấy rằng Cuộc sống trắng đỏ vàng đen thú vị quá phải không. Lựa chọn, dĩ nhiên là tuỳ mỗi người.

Danh sách các công việc có thể làm online và remotely ngày càng nhiều xuất phát từ nhu cầu/đam mê của người lao động và sự linh hoạt của các doanh nghiệp mới.

 

Trang Tara

https://trangtara.com/

Tác giả: (người cầm mic)